Hạ đường huyết thường do dùng thuốc quá liều, chế độ ăn uống và tập thể dục không hợp lý với các dấu hiệu như đói cồn cào, run rẩy, nói lắp.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, lượng đường trong máu giảm xuống mức quá thấp dưới 70 mg/dL là hạ đường huyết. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như lú lẫn, chóng mặt, co giật, hôn mê, có thể tử vong.
Bệnh viện Đa khoa Leicester (Anh) phân tích 46 nghiên cứu, trên 532.540 người, năm 2015, cho thấy người bệnh tiểu đường trung bình có 19 đợt hạ đường huyết nhẹ hoặc vừa phải và một đợt hạ đường huyết nặng mỗi năm.
Dưới đây là dấu hiệu nhận biết đường huyết giảm thấp.
Đói cồn cào
Đột nhiên bạn cảm thấy đói cồn cào mà không thể giải thích có thể do lượng đường trong máu giảm. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát lượng carbohydrate (carb) nạp vào để ổn định đường huyết, hỏi bác sĩ để xác định loại và lượng carb phù hợp với bản thân.
Lo lắng
Khi đường huyết giảm xuống quá thấp, cơ thể giải phóng các hormone epinephrine và cortisol, báo hiệu gan tiết ra nhiều đường vào máu hơn. Điều này khiến cơ thể có cảm giác lo lắng và có các triệu chứng liên quan như run rẩy, đổ mồ hôi, tim đập nhanh.
Ngủ không yên
Hạ đường huyết về đêm gây rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng gồm đổ mồ hôi đêm, ác mộng, đột ngột thức giấc và khóc, cảm giác bất an, bối rối khi thức dậy. Ăn nhẹ trước khi ngủ làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng do hạ đường huyết. Lượng đường trong máu lý tưởng khi đi ngủ là 90-150 mg/dL.
Run rẩy
Run rẩy xảy ra khi hệ thống thần kinh tự trị được kích hoạt trong quá trình hạ đường huyết. Lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng dẫn đến run chân tay, co giật, nhịp tim không đều (đánh trống ngực), có thể đe dọa tính mạng.
Cảm xúc bất ổn
Thay đổi tâm trạng, cảm xúc đột ngột là một trong những triệu chứng thần kinh của hạ đường huyết. Khi trong tình trạng này, người bệnh thường cảm thấy khó chịu, cáu kỉnh hoặc có cảm giác như trầm cảm.
Đổ mồ hôi
Người bệnh tiểu đường thường đổ mồ hôi khi hạ đường huyết có liên quan đến sự tăng đột biến của adrenaline. Hormone này tăng lên khi mức glucose giảm. Trong trường hợp này, uống một ít đường để hết đổ mồ hôi.
Khó tập trung
Não lấy glucose (đường) trong máu để làm năng lượng. Nếu lượng glucose ở mức thấp, não không hoạt động tốt như bình thường dẫn đến khó tập trung. Hạ đường huyết vừa phải thường không làm tổn thương não.
Vấn đề về thị lực
Nếu đột nhiên bạn gặp vấn đề về thị lực, nguyên nhân có thể do lượng đường trong máu giảm. Theo khảo sát năm 2015 của Trường Đại học Y khoa SUNY Upstate (Mỹ) trên 107 người bệnh tiểu đường, mờ mắt là triệu chứng phổ biến nhất khi hạ đường huyết (chiếm 73% người tham gia).
Nói lắp, lú lẫn
Đường huyết thấp, não thiếu đường làm thay đổi cách phát âm. Nói lắp là một triệu chứng phổ biến khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 40 mg/dL. Người bệnh vụng về, lú lẫn, bất ngờ thiếu khả năng thực hiện một hành động cũng cảnh báo đường huyết ở mức thấp.
Chóng mặt
Khi lượng đường trong máu thấp, não cố gắng bảo tồn càng nhiều năng lượng càng tốt, dẫn đến cảm giác lâng lâng, chóng mặt.
Người bệnh tiểu đường cần đo đường huyết hàng ngày. Khi đường huyết giảm xuống dưới 70 mg/dL, bạn tiêu thụ 15 g carb và kiểm tra lại sau 15 phút. Nếu vẫn thấp, lặp lại quá trình trên cho đến khi đường huyết tăng lên trên 70 mg/dL. Cách này chỉ áp dụng cho mức hạ đường huyết 55-69 mg/dL, không nên áp dụng nếu dưới 55 mg/dL.
Lượng 15g carb dùng để tăng đường huyết nhanh chóng là 4 viên glucose, 1/2 lon nước ngọt thông thường, 1/2 cốc nước ép trái cây, ba viên kẹo cứng, một thìa đường, sirô hoặc mật ong.