Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo tờ trình, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
Với 17.000 cửa hàng xăng dầu hiện có, Bộ Công Thương ước tính mỗi cửa hàng có 4 trụ bơm, riêng thiết bị in có giá khoảng 3 triệu đồng/trụ thì các cửa hàng phải chi 204 tỉ đồng để trang bị cho tất cả các trụ bơm. Chưa kể, chi phí trang bị chip (CPU) đồng bộ và kết nối cáp vào máy tính để xuất hóa đơn theo từng trụ bơm.
Cây xăng sẽ phải xuất hóa đơn điện tử cho người mua
Trong khi đó, các doanh nghiệp lo ngại về phát sinh nhiều rủi ro như chi phí mua hóa đơn điện tử, đầu số có thể kết nối được không. Bởi các đầu số đời cũ sẽ không có khả năng kết nối được nên phải chi tiền đổi đầu số mới, phê duyệt lại mẫu, chi phí kiểm định, đo lường, mua phần mềm, thi công cáp kết nối. Đây là câu chuyện rất khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa.
Doanh nghiệp bán lẻ còn than gần đây họ chỉ được chiết khấu 200-300 đồng cho mỗi lít xăng dầu nhưng mỗi lần bơm xăng cho khách chỉ nửa lít cũng phải mất thêm 200 đồng cho việc in hóa đơn. Riêng tiền giấy in theo tính toán một cây xăng bán mỗi ngày tầm 13.000 lít sẽ tốn khoảng 5 gram giấy có giá 300.000 đồng.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn kêu trời vì phải chi tiền tỉ để thay thế trụ bơm mới cho phù hợp với công nghệ in ấn hóa đơn, phải có đường tuyền internet ổn định, máy móc thiết bị in hóa đơn.
Ngoài ra còn chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện tử, thông tin lớn, công nghệ nền tảng chưa đáp ứng được việc tự động xuất hóa đơn đến từng người mua hàng. Do đó, ghi nhận số liệu từng lần bơm và kết nối đến hệ thống giám sát của cục thuế thì được, chứ việc triển khai xuất hóa đơn trực tiếp là phức tạp về công nghệ, lãng phí rất lớn.
Doanh nghiệp còn lo lắng phía cơ quan thuế liệu có làm việc 24/24 giờ hay không khi cây xăng hoạt động xuyên đêm.
“Bán lẻ xăng dầu không phải bán buôn nên việc xuất hóa đơn cho những lần bơm 5.000 đồng, 10.000 đồng, 15.000 đồng là điều vô lý và khó thực hiện do chi phí đôi khi cao hơn cả giá trị bán. Doanh nghiệp bán lẻ không nhận được phần chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, trong khi chiết khấu bèo bọt, toàn lỗ thì việc bảo đảm nguồn lực để đầu tư cho xuất hóa đơn là chuyện không thể thực hiện” – đại diện một doanh nghiệp xăng dầu phản ánh.
Quá nhiều quy định đi kèm
Theo tờ trình của Bộ Công Thương, người mua xăng phải có mã số thuế, thẻ thanh toán thẻ tín dụng còn không phải đăng ký tại cửa hàng để lấy phiếu mua hàng từng lần. Hệ thống trụ bơm phải được nâng cấp để lưu trữ thông tin (khách hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền mỗi lần bơm) và có kết nối đến hệ thống máy chủ trung tâm hoặc kết nối trực tiếp đến hệ thống Tổng Cục thuế bằng ID.
Hay cửa hàng phải có hệ thống kiểm soát nhập hàng (thiết bị đo lường, thước đo điện tử, barem bồn được quét và lập bằng công nghệ tự động có độ chính xác cao), dữ liệu cũng được liên thông đến hệ thống Tổng Cục thuế; hệ thống phải tự động điều chỉnh giá bán lẻ đồng bộ và chính xác như việc cập nhật thời gian máy tính qua các máy chủ internet…