Chuyển đổi số khó nhất là thay đổi thói quen

chuyen doi so kho nhat la thay doi thoi quen 654b9aaf79e07

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, thời gian qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tập trung triển khai chuyển đổi số vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành lưới điện, đặc biệt trong công tác dịch vụ khách hàng.

Giờ đây, 100% các dịch vụ điện đã được Công ty số hóa, khách hàng chỉ cần “click chuột”, “ một cái chạm” là có thể yêu cầu dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi và được Công ty Điện lực Lâm Đồng giải quyết nhanh chóng, theo đúng phương châm “một cửa”.

Thanh toán tiền điện – đơn giản và tiện lợi

Hiện nay, khách hàng sử dụng điện đã dễ dàng thanh toán tiền điện trực tuyến mà không cần phải đến nộp trực tiếp tại các điểm thu hay phòng giao dịch khách hàng. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã ký kết hợp đồng ủy quyền thu tiền điện qua các ngân hàng có chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh gồm: Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank…

Đồng thời, Công ty cũng đã ký kết với các tổ chức trung gian để thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện. Nhờ đó, tính đến nay, đã có trên 80% khách hàng thanh toán tiền điện thông qua hình thức này. Bên cạnh đó, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy thông thường, tạo thuận lợi cho việc đối chiếu dữ liệu, kê khai, cũng như rút ngắn được thời gian thanh toán cho khách hàng.

Bà Bùi Thị Hà (xã Gung Ré, huyện Di Linh) chia sẻ: “Trước đây, để có thể thanh toán tiền điện, tôi phải ra tận bưu điện xã hoặc lên trực tiếp trụ sở Điện lực Di Linh. Việc này mất rất nhiều thời gian và công sức vì phải đi lại. Từ ngày ngành Điện ứng dụng công nghệ 4.0 đổi mới, tôi và bà con trong thôn chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng Mobile Banking là có thể thanh toán tiền điện bất cứ khi nào. Hình thức thanh toán tiền điện này đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Tôi đánh giá rất cao việc đổi mới này của ngành Điện”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số các dịch vụ…

Nếu như trước đây, Công ty Điện lực Lâm Đồng cung cấp nền tảng số đầu tiên trong việc chăm sóc khách hàng thông qua website cskh.evnspc.com.vn, thì đến nay, khách hàng đã có thể sử dụng các dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và liên tục 24/24h qua các kênh giao dịch trực tuyến như: App EVNSPC.CSKH; Trang Tổng công ty Điện lực miền Nam – EVNSPC trên ứng dụng Zalo; Cổng dịch vụ công Quốc gia (http://dichvucong.gov.vn)…

Giờ đây, chỉ cần “1 chạm” ngay trên thiết bị di động thông minh là khách hàng có thể tra cứu, nắm biết mọi thông tin về điện (từ lịch ghi chỉ số công tơ, lịch tạm ngưng cung cấp điện, hóa đơn tiền điện, dịch vụ cấp điện mới…). Hay cũng vẫn chỉ với “1 chạm”, khách hàng sẽ thực hiện được toàn bộ các dịch vụ điện năng do ngành Điện cung cấp như: Đăng ký cấp điện mới, thanh toán tiền điện, thay đổi chủ thể, hoặc gia hạn hợp đồng mua bán điện, thay đổi công suất sử dụng điện, thay đổi mục đích sử dụng điện…

Mặt khác, đối với các dịch vụ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện đều được Công ty Điện lực Lâm Đồng áp dụng 100% thông qua hình thức điện tử. Nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ khách hàng tại hiện trường được thực hiện 100% bằng thiết bị thông minh kết nối với cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng đã cho số liệu chính xác và nhanh chóng. Khách hàng chỉ cần xác thực bằng mã OTP gửi về số điện thoại của khách hàng để hoàn thiện biên bản, hợp đồng.

Ông Hoàng Đình Quân (phường 3, thành phố Đà Lạt) cho biết: “Tôi ghi nhận và đánh giá rất cao các dịch vụ của Công ty Điện lực Lâm Đồng vì đã có nhiều đổi mới, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện. Trước đây, khi địa phương bị mất điện hay bị cắt điện, người dân hầu như không nắm được thông tin đầy đủ. Nhưng giờ đã khác rồi, mọi người dân đều nhận được thông báo sớm, chi tiết về ngày, giờ cắt và ngày, giờ cấp lại thông qua tin nhắn Zalo. Điều này đã giúp chúng tôi chủ động trong sinh hoạt. Tiếp theo phải kể đến những tiện ích từ dịch vụ điện trực tuyến. Khác so với trước đây, giờ tôi chỉ cần ở nhà, sử dụng  Smart Phone và thông qua ứng dụng EVNSPC.CSKH là đã có thể dễ dàng thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện. Phải khẳng định, dịch vụ trực tuyến đã giúp gia đình tôi rút ngắn thời gian và rất thuận lợi khi giải quyết các thủ tục hành chính”.

Chú thích ảnh
Nhân viên ngành điện hướng dẫn  khách hàng sử dụng dịch vụ bằng điện thoại thông minh.

Chuyển đổi số khó nhất là thay đổi thói quen

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết: “Mặc dù công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng của Công ty đã có nhiều cải tiến đáng kể trong thời gian vừa qua, nhưng trước xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty vẫn tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Việc chuyển đổi số không chỉ thực hiện trong thời gian ngắn mà phải có một quá trình để thay đổi thói quen của khách hàng. Việc số hóa, chuyển đổi từ hình thức hợp đồng, hồ sơ giấy tờ vật lý sang định dạng điện tử tại các đơn vị điện lực đem lại sự cải thiện rất lớn đối với quy trình quản lý cung cấp dịch vụ điện theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí, đạt hiệu quả cao trong công tác kinh doanh điện, như: giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hợp đồng, hồ sơ giấy tờ, giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm nhân lực tham gia trong công tác cung cấp dịch vụ điện”.

Để thích ứng với tốc độ phát triển hiện nay, Công ty Điện lực Lâm Đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số tại doanh nghiệp như nâng cấp các phần mềm để phục vụ nhu cầu tốt hơn của khách hàng, phát triển thêm một số phần mềm mới, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của lưới điện thông minh.

Với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Công ty Điện lực Lâm Đồng đang từng bước thực hiện công tác đổi mới, sáng tạo, tích hợp công nghệ số vào mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh, quản lý kỹ thuật, góp phần quan trọng vào lộ trình chuyển đổi số của ngành điện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Nhưng để công cuộc chuyển đổi số thành công, lan tỏa để tất cả mọi người cùng thấy hữu ích thì cần phải thay đổi thói quen “tập quán” xưa nay, công tác truyền thông để mọi người hiểu và nắm bắt được các phần mềm để khai thác hiệu quả là yếu tố tiên quyết trong việc chuyển đổi số thành công.