Chuyên gia Colliers: Việt Nam cần giải quyết “bài toán” tay nghề lao động và chuỗi cung ứng

Thứ bảy, 23 Tháng 1 2021 17:58

Công ty Tư vấn dịch vụ Bất động sản Colliers International tại Việt Nam đã có báo cáo nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam quý 4/2020.

"Ông lớn" thị trường bán lẻ đổ bộ về vùng ven các thành phố lớn.

Theo Colliers International Việt Nam, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm 2020 đạt mức 2,91%. Tuy rằng đây là con số tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành thì đây lại là mức ấn tượng, khiến Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia có mức tăng cao nhất thế giới.

Thị trường bán lẻ đã xuất hiện những dấu hiệu hồi phục trở lại, nhất là tại hai “đầu tàu” kinh tế Hà Nội và TPHCM. Nhiều thương hiệu hàng cao cấp vẫn mở rộng hoạt động tại Việt Nam ngay trong đại dịch. Xu hướng đáng chú ý là nhiều đại gia ngành bán lẻ dịch chuyển ra vùng ven các thành phố lớn để tận dụng nhiều ưu thế về giá thuê hay sức mua tốt từ việc tầng lớp trung lưu đang gia tăng.

Điển hình như Vicom Mega Mall Ocean Park tại quận Gia Lâm (Hà Nội), Socar Shopping Mall, Vincom Megamall Grand Park (thành phố Thủ Đức) và Elite Mall (quận 8, TP HCM) là những dự án minh chứng cho xu hướng nói trên.

“Ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 khiến cho khách thuê vẫn tỏ ra thận trọng, tiếp tục xu hướng tìm kiếm văn phòng ở những phân khúc thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy lại vẫn tương đối cao, có thể xuất phát từ việc dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Giá chào thuê trung bình nhìn chung vẫn tương đương hoặc thậm chí cao hơn quý trước, xét ở cả ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Đà Nẵng là thị trường ghi nhận mức giá chào thuê trung bình tăng khá cao, từ 27 USD ở quý 3/2020 lên mức 35 USD/m2/tháng ở quý 4/2020”, báo cáo của Colliers International Việt Nam ghi rõ.

Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, giá thuê trung bình của bất động sản công nghiệp TPHCM cao nhất cả nước (ở mức 160 USD/m2/kỳ hạn). Trong số các địa phương phía Nam, Long An đang là tỉnh thu hút đầu tư FDI khá ấn tượng, bao gồm 1.079 dự án và mức vốn 6,6 tỷ USD (số liệu tháng 12/2020) và đang nổi lên như là “đối thủ” của TPHCM trong phân khúc bất động sản công nghiệp.

Các khu công nghiệp tại Hà Nội cũng không chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, vẫn duy trì được hoạt động ổn định. Giá chào thuê trung bình và tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức tương đương so với quý 3/2020. Đông Anh và Thạch Thất nhận được quan tâm nhiều nhất từ nhà đầu tư ngoại do phần lớn các khu công nghiệp trong khu vực đều tập trung tại hai quận này.

Đối với thị trường căn hộ, quý 4/2020, TPHCM có hơn 3.600 căn hộ mới được tung ra, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu thuộc phân khúc hạng trung hoặc cao cấp. Căn hộ cao cấp tại quận 2 có giá bán cao hơn 7% so với năm 2019.

Thị trường căn hộ chủ yếu là nguồn cung trung và cao cấp.

Tại Hà Nội, thị trường tương đối trầm lắng với đa phần các giao dịch thuộc phân khúc trung bình diễn ra tại các quận vùng ven. Một số nhà đầu tư từ TP HCM như Bitexco hay Him Lam đã bắt đầu triển khai các dự án quy mô lớn tại Hà Nội.

Theo ông Peter Dinning – Chủ tịch Colliers International Việt Nam, các lợi thế vốn có của Việt Nam đang dần mất đi và một số thách thức mới đã xuất hiện. Trong đó có các yêu cầu về lao động tay nghề cao và sự xuyên suốt, đồng bộ của chuỗi cung ứng trong nước. Giải quyết tốt hai bài toán này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn.

Còn theo ông David Jackson – Tổng giám đốc Colliers International Việt Nam, bên cạnh việc giành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp ngoại, Việt Nam cũng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mạnh mẽ và phù hợp hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nội gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần giúp Việt Nam từng bước cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính và có chiến lược sàng lọc thận trọng các dự án đầu tư nước ngoài cũng nên là ưu tiên để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn chất lượng cao.

Đ.V


Bài viết xem thêm