Chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho bất động sản khu công nghiệp

chuyen gia kien nghi nhieu giai phap go kho cho bat dong san khu cong nghiep 65562628025c9

Tại Diễn đàn KCN 2023 với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng xanh” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 16-11 ở TP HCM, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa nhận các nhà đầu tư KCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục hành chính.

“Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ về việc hoàn thiện quy trình quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thành lập KCN. Bãi bỏ các quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, Khu kinh tế (KKT) và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với quy định của pháp luật về quy hoạch…” – bà Hiếu cho biết.

Chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho bất động sản khu công nghiệp - Ảnh 1.

Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý KCN Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, các KCN đã triển khai một số mô hình tuần hoàn chất thải nhưng hầu hết tự phát và ở quy mô nhỏ. Do đó, cơ quan quản lý cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp, hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp hình thành liên kết.

Nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất.

Các quỹ tài chính xanh đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay. Việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới dây chuyền sản xuất.

Chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực kiến nghị hoàn thiện thể chế theo hướng, sửa đổi các luật liên quan đến bất động sản… đúng hạn, chất lượng. Các nghị định, thông tư hướng dẫn cần được ban hành kịp thời để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện; cần quy định phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách vốn, tài chính và quản lý phù hợp đối với phân khúc gắn liền với sản xuất như bất động sản KCN; xem xét nâng cấp khung pháp lý cho lĩnh vực bất động sản KCN.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là sớm giải quyết các vấn đề tồn tại trên thị trường tài chính, đa dạng hóa và hoàn thiện thị trường tài chính bất động sản để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản KCN nói riêng.

Đối với chủ đầu tư KCN, cần tích cực đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn và quan tâm quản lý rủi ro, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về môi trường, an toàn…; xây dựng, nâng cấp và cải tiến hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom chất thải rắn, hệ thống xử lý, đốt rác phát điện…. để hướng tới đón đầu xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, KCN xanh, sinh thái.