Theo Medical Xpress, nghiên cứu mới từ Trường Y khoa Đại học Washington và Trường Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã xem xét tác động kết hợp của rượu và cà phê trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Đó là tình huống mà nhiều người trong chúng ta từng lựa chọn: Trải qua một đêm say sưa với rượu, sau đó dùng cốc cà phê sáng để tìm cảm giác tỉnh táo.
Ly cà phê sáng chưa chắc tốt trong mọi hoàn cảnh – Ảnh minh họa từ Internet
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PLOS One cho biết 90% người trưởng thành uống ít nhất một đồ uống chứa caffeine mỗi tuần, trong khi 74% người từ 15 tuổi trở lên thường xuyên dùng đồ uống có chứa cồn.
Nhiều người trong số họ đã dùng theo công thức tối rượu – sáng cà phê như trên.
Tác dụng tương tác của rượu và caffeine trong cà phê đã bộc lộ rõ ràng trong suốt thời gian nghiên cứu kéo dài 6 tuần.
“Tôi nghĩ rằng đó là một suy nghĩ hay khi bạn sử dụng caffeine để xóa cảm giác nôn nao do rượu hôm trước. Nhưng những gì chúng tôi nhận thấy là mặc dù có thể tỉnh táo hơn trong thời gian ngắn, nhưng nó tạo ra nhận thức sai lầm về trạng thái giấc ngủ” – đồng tác giả Frank Song cho biết.
Điều này có hai ý nghĩa. Nếu muốn cảm thấy tỉnh táo trở lại cho ngày làm việc tiếp theo, bạn có lẽ đã đúng khi sử dụng cà phê, một thứ tốt cho cả tinh thần lẫn hoạt động não bộ.
Tuy nhiên, qua một thời gian, những người dùng cà phê kiểu này sẽ tự đưa mình vào một chu kỳ lặp lại. Họ sẽ có nhận thức sai lầm rằng mình không thiếu ngủ vì cà phê giúp họ không mệt.
Nhưng thực sự là họ thiếu ngủ, cho dù có thời gian ngủ dài vào hôm trước. Bởi lẽ rượu đã được chứng minh là ức chế giấc ngủ REM, tức giai đoạn chuyển động mắt nhanh, đặc trưng bởi những giấc mơ. Giấc ngủ REM chính là giai đoạn quan trọng giúp não bộ phục hồi và quyết định chất lượng giấc ngủ.
Nói cách khác, người phụ thuộc vào công thức tối rượu – sáng cà phê sẽ trở thành người thiếu ngủ về lâu dài, từ đó tương tác giữa hai thức uống này trở nên có hại cho sức khỏe.