Từ đầu năm 2019, chị Nguyễn Thị Hải Lục (thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) thuộc diện hộ nghèo đã được tiếp cận vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Có nguồn vốn, nhận thấy địa hình có nhiều thuận lợi để phát triển kinh vườn đồi, chị Nguyễn Thị Hải Lục đã mạnh dạn đầu tư trồng 3,5 ha cây keo lai và chăn nuôi gia súc gia cầm. Hiện gia đình chị Hải đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập kinh tế ổn định.
Chị Nguyễn Thị Hải Lục chia sẻ, xác định trồng cây keo lai phải 5 năm mới được thu hoạch, lấy ngắn nuôi dài, gia đình đầu tư chăn nuôi lợn, gà để tăng thu nhập, từ đó kinh tế gia đình ngày càng được nâng cao. Với người dân huyện miền núi Tuyên Hóa, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách huyện có ý nghĩa rất lớn, tiếp thêm sức mạnh để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Không chỉ có gia đình chị Lục, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân huyện thực hiện giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác để giúp hội viên nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Nguồn vốn vay chủ yếu được hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đầu tư, sử dụng mua bò chăn nuôi và phát triển khắc phục, trồng rừng nguyên liệu, một số hộ đầu tư phát triển dịch vụ tiểu thủ công nghiệp.
Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) Trương Tư Thoan cho biết, hiện tại, Hội Nông dân huyện đang quản lý 19/19 hội đoàn thể cấp xã và 134 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện 13 chương trình tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với gần 5.000 hộ vay vốn, tổng dư nợ 360,8 tỷ đồng.
Theo ông Trương Tư Thoan, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng, kịp thời các chính sách mới như: cho vay hộ mới thoát nghèo, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, vay vốn đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID -19…; hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng mới đến với cán bộ hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các điểm giao dịch xã.
Bên cạnh đó, cơ sở Hội đã tập trung củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện tốt việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, đúng đối tượng; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chỉ đạo các tổ sinh hoạt định kỳ đều đặn. Nhờ đó, hầu hết các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân huyện quản lý đều hoạt động tốt, góp phần đưa nguồn vốn vay đến với hội viên nông dân hiệu quả.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa Thái Xuân Lộc cho biết, đến tháng 11 năm 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện đã giải ngân cho gần 3.500 khách hàng vay vốn với số tiền gần 243 tỷ đồng; trong đó, tập trung giải ngân một số chương trình như cho vay hộ nghèo 20,6 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 27,2 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 46,2 tỷ đồng.
Ông Thái Xuân Lộc khẳng định, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện bảo đảm 100% các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, tránh để người dân phải sử dụng tín dụng đen. Nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình kinh tế khó khăn, tạo động lực giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Tuyên Hóa tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân nhanh các nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo… phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế góp phần tích cực vào mục tiêu chung của huyện Tuyên Hóa giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội./.