Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người cao tuổi, tiếp thêm sinh lực và tâm trí cho nhiều người theo những cách khác nhau.
Lợi ích khi sử dụng đúng
Dù có những rào cản về tuổi tác khi sử dụng điện thoại thông minh nhưng với bà N.T.B (67 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), điều này không khiến bà cảm thấy khó khăn khi sử dụng. Bà B. cho biết từ khi có điện thoại thông minh, bà cập nhật các tin tức nhanh và chính xác hơn. Đặc biệt, công nghệ đã giúp bà kết nối người thân, bạn bè dễ dàng hơn.
Cùng quan điểm trên, bà T.T.H (70 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết nhờ có điện thoại thông minh, internet và mạng xã hội, bà cảm thấy gần với bạn bè, con cháu hơn. “Mỗi lần nhớ con cháu, tôi chỉ cần gọi Zalo hay Facebook là có thể nhìn thấy mặt để trò chuyện. Đặc biệt, không lo tốn tiền cước điện thoại như trước” – bà H. bày tỏ.
Internet, mạng xã hội có thể giúp ích cho người già khi sử dụng trong thời gian phù hợp
Thạc sĩ, tâm lý gia lâm sàng Phan Thị Hoài Yến, Phó trưởng Khoa Tâm thể – Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết xét về mặt sức khỏe tâm thần, nếu quá lạm dụng hay nghiện điện thoại, mạng xã hội đều không tốt. Tuy nhiên, cần xem việc họ sử dụng với mục đích gì. Ví dụ, họ mở điện thoại chơi game trong thời gian rảnh rỗi hoặc xem video trên điện thoại vì có nhu cầu mong muốn được nghe hay tìm điều gì và sau đó họ vẫn tham gia các hoạt động (tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa…), có kết nối với xã hội (giao lưu, gặp gỡ bạn bè…) thì không thể xem đó là nghiện và không hoàn toàn xấu.
Thậm chí, ở một khía cạnh khác, nếu người già dành thời gian 15 – 30 phút/ngày chơi các trò chơi (cờ tướng, hát karaoke, cờ tứ sắc…), xem tin tức, đọc sách… có thể kích thích tế bào thần kinh chống lại sự ù lì của não bộ, giúp họ tăng cường trí nhớ, phòng ngừa bệnh Alzheimer.
ThS Hoài Yến lưu ý nếu trong nhà có người già thì nên cài đặt các ứng dụng cho tốt, chỉnh kích cỡ chữ to để tránh đau mắt, hướng dẫn họ sử dụng để tránh vào những trang web độc hại. Bên cạnh đó, khi sử dụng internet hoặc mạng xã hội, người già nên cẩn trọng trước những thông tin trái chiều hay những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu.
Khi nào được xem là nghiện?
Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết một số triệu chứng giúp nhận biết người dùng nghiện internet. Cụ thể như: Lúc nào cũng bận tâm tới internet (suy nghĩ về online trước đó hoặc nghĩ về lần online tiếp theo); nhu cầu sử dụng với thời lượng ngày càng tăng để đạt hài lòng; đã thực hiện những nỗ lực không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng sử dụng internet; trực tuyến lâu hơn dự định ban đầu; bồn chồn, ủ rũ, chán nản hoặc cáu kỉnh khi cố gắng giảm hoặc ngừng sử dụng internet; sử dụng internet như một cách để thoát khỏi các vấn đề làm dịu tâm trạng; nói dối để che giấu mức độ sử dụng internet; đã gây mất nguy cơ quan hệ bạn bè, công việc hoặc cơ hội nghề nghiệp vì internet.
Nếu có 5/8 biểu hiện trên thì chứng tỏ đã nghiện internet. Nghiện internet có thể gây nhiều tác hại về thể chất lẫn tinh thần: đau nhức cơ thể, hội chứng ống cổ tay, mất ngủ, các vấn đề thị lực, tăng/giảm cân.
Theo bác sĩ Hoài Yến, nếu người lớn tuổi liên tục ở nhà chỉ dùng điện thoại kết nối internet và không có sự giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng, mất chức năng xã hội thì mới đáng ngại.
Tuy nhiên, thực tế, người già đã có nhận thức nên việc sử dụng internet rất khó tác động tiêu cực đến họ về mặt tâm lý.
“Thực tế, quanh tôi, có người già vẫn xem điện thoại, mạng xã hội với tần suất nhiều (3-4 giờ liên tục) nhưng vẫn không ngắt kết nối với xã hội. Nếu buông điện thoại để làm việc, họ không cảm thấy bứt rứt, khó chịu” – ThS Hoài Yến dẫn chứng.
Không nên xem thụ động
Thay vì ngồi xem ti vi chỉ là hình ảnh một chiều, thụ động, không có sự tương tác thì ngược lại đọc báo hoặc tìm hiểu thông tin có mục đích trên internet sẽ khác. Điều này khiến não bộ phải vận hành để đọc chúng. ThS Hoài Yến nói và phân tích thêm internet, mạng xã hội ở khía cạnh nào đó vẫn có sự tác động tích cực với người già.
“Việc họ sử dụng internet đa dạng hơn so với mình hình dung. Nếu không có internet, mạng xã hội có thể họ sẽ cô đơn hơn. Giả sử người già ở một mình họ sẽ làm gì ngoài xem ti vi, trong khi nếu xem ti vi quá nhiều thì có thể thoái lui sự kết nối vì đó là tương tác một chiều” – ThS Hoài Yến chia sẻ.