MB: Tín hiệu xanh cần được thực hiện bài bản 

mb tin hieu xanh can duoc thuc hien bai ban 65426024246f5
Chú thích ảnh
ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

MB hiện đã dành tới 8 – 10% trong tổng dư nợ để cho vay đối với các lĩnh vực tín dụng xanh, năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cũ từ ô nhiễm môi trường nhiều sang ít ô nhiễm hơn. Ngân hàng đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.

Mô hình tín dụng xanh được xem là công cụ tài chính có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát hành vi bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và ngăn chặn sự phát triển không kiểm soát của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, nguy hại cho môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Nếu như năm 2016, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới chỉ đạt gần 85 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế thì đến cuối năm 2022, tỷ trọng này đã tăng lên 4,2%. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn và lĩnh vực tín dụng xanh vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh hơn nữa trong tương lai.

Nguồn vốn cần cho tín dụng xanh là rất lớn, song không phải tất cả các ngân hàng đều hào hứng tham gia bởi những dự án này thường đi kèm với nhiều khó khăn và bất lợi ngắn hạn cho ngân hàng, đặc biệt là biên lợi nhuận không thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần nhiều thời gian để thẩm định, đánh giá khoản vay với hàng loạt tiêu chí.

Tuy nhiên MB đã xác định tín dụng xanh là xu hướng tất yếu, không chỉ tốt cho mà tốt cho sự phát triển khách hàng và rộng hơn là sự phát triển bền vững của đất nước. Bài toán đặt ra cho MB lúc này là làm thế nào để vẫn dành được những ưu tiên cho các lĩnh vực xanh, hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi sang hướng thân thiện với môi trường mà đồng thời vẫn đảm bảo khả năng sinh lời, hoàn thành các mục tiêu kinh doanh.

Ban lãnh đạo MB xác định: Mô hình ngân hàng xanh cũng như chính sách cho tín dụng xanh cần được làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, là hướng đi lâu dài chứ không chỉ nhất thời.

Theo đó, MB đã sớm xây dựng khung quản trị rủi ro, ban hành quy trình cấp tín dụng nội bộ trong đó có những tiêu chí, ưu tiên cho các dự án thân thiện với môi trường. Từ năm 2017 – 2018, MB đã tiên phong trong lĩnh vực cho vay dự án năng lượng tái tạo – lĩnh vực mà theo chia sẻ của Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh: “Hầu hết các ngân hàng đều dè chừng với điện mặt trời, điện gió vì là lĩnh vực mới, thước đo tính hiệu quả cũng như khả năng sinh lời (NIM) cũng mỏng hơn vì cho vay với lãi suất thấp”. 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và quá trình làm việc với các chuyên gia, MB đánh giá đây là các dự án có tác động tích cực cho môi trường và xã hội, và nằm trong tầm kiểm soát rủi ro của MB nên ngân hàng hoàn toàn tự tin tiên phong hợp tác.     

Hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo mà MB rót vốn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ,…đều đang hoạt động tốt. Nhiều hộ gia đình cũng đã vay được vốn từ MB để làm điện mặt trời áp mái. Đóng góp của những ngân hàng tiên phong như MB đã giúp đầu tư năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ở nước ta phát triển vượt bậc trong 4 – 5 năm trở lại đây. Việc này cũng đã giúp bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời giảm dần sự lệ thuộc vào các nguồn nhiên liệu truyền thống. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.350 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%.

Đối với một nền kinh tế năng động như Việt Nam, nhu cầu sử dụng năng lượng điện trong tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa. Do đó, việc phát triển năng lượng xanh là yêu cầu hết sức cấp bách. Theo Quy hoạch điện VIII cũng chỉ rõ kế hoạch sẽ nâng tỷ trọng điện năng của các nguồn năng lượng tái tạo trong những năm tới.     

MB là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt nhất những năm trở lại đây. Đồng thời, quy mô dư nợ cho vay MB đứng thứ 5 trong hệ thống, chỉ sau nhóm Big 4. Như vậy có thể hình dung, với mục tiêu nâng tỷ trọng tín dụng xanh từ 10% lên 15%, MB sẽ “bơm” ròng cho lĩnh vực này thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm trong 3 năm tới. Chưa kể, MB còn là ngân hàng tích cực thu xếp nguồn vốn nước ngoài cho các dự án điện xanh với quy mô hàng trăm triệu USD.

Với năng lực quản trị rủi ro chặt chẽ, MB một mặt thể hiện tốt vai trò tiên phong của mình ở lĩnh vực tín dụng xanh, một mặt vẫn đảm bảo là một trong những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất MB đạt 12.735 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong hệ thống. MB sở hữu lợi thế nguồn vốn rẻ với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 37%, cao nhất thị trường.

Trong nhiều năm qua, MB luôn duy trì ở trong nhóm những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu thấp và bộ đệm dự phòng bao phủ nợ xấu giúp ngân hàng phòng ngừa các rủi ro nếu có.