Phòng trọ mới xây khu Hòa Lạc ‘ế’ khách

img 8817 jpg 1695129062 5489 1695140213

Các chủ nhà trọ ở khu vực Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) gần một tháng nay “như ngồi trên đống lửa” bởi đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới nhưng số phòng có người thuê chưa đến 20%.

Bà Nguyễn Thị Tươi (64 tuổi) ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất vừa khai trương dãy nhà 5 tầng, 41 phòng, sau một gần năm xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở chất lượng cao của người thuê, bà quyết định đầu tư trang bị giường, đệm, tủ quần áo, bàn học, ghế, kệ bếp, điều hòa cùng nhà vệ sinh khép kín. Khu nhà cũng được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn, đang chờ nghiệm thu. Dự kiến giá cho thuê mỗi phòng từ 3 triệu đồng.

Ý định kinh doanh phòng trọ của bà Tươi nảy ra từ đầu năm 2022, bởi thấy nhu cầu tìm chỗ ở của sinh viên các trường Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội cao, nhiều dãy trọ cấp bốn sập xệ sớm hết chỗ.

“Gia đình tôi sẵn có mảnh đất rộng vài trăm mét vuông sát mặt đường, gần trường học, chợ dân sinh nên đầu tư hơn chục tỷ đồng xây nhà trọ, mong sau khi thu hồi vốn có thêm tiền an dưỡng tuổi già”, bà giải thích.

Nhưng từ thời điểm sinh viên biết điểm chuẩn đến khi hoàn tất thủ tục nhập học, dãy trọ 41 phòng của bà Tươi chỉ có một khách thuê. Bà nhờ con cháu đăng bài lên các hội nhóm, giảm tiền thuê, thậm chí cho ở miễn phí một tháng nhưng tình hình không cải thiện.

Dãy nhà trọ 5 tầng với 41 phòng trang bị đầy đủ tiện nghi của gia đình bà Tươi ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đến ngày 12/9 mới có một khách thuê trọ. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Dãy nhà trọ 5 tầng với 41 phòng trang bị đầy đủ tiện nghi của gia đình bà Tươi ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, sáng 12/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Cách dãy trọ nhà bà Tươi chừng 2 km, căn nhà 7 tầng, 40 phòng hoàn thiện hồi cuối tháng 8 của bà Vũ Thanh cũng trong tình cảnh tương tự.

Bà Thanh xây dựng khu trọ này theo mô hình căn hộ chung cư mini, mỗi phòng 30-35 m2, trang bị đủ nội thất, vệ sinh khép kín cùng ban công nấu ăn riêng. Khách thuê trọ được sử dụng cầu thang máy, wifi, khóa cửa vân tay, máy giặt.

Tòa nhà đã sử dụng được nửa tháng nhưng hiện có một, hai khách đặt cọc, tỷ lệ lấp đầy chưa đến 20%. Để khắc phục, bà Thanh tuyên bố giảm giá phòng còn 2,8 triệu đồng mỗi tháng, sẵn sàng tặng 500.000 đến một triệu đồng cho môi giới nếu tìm được khách thuê trọ.

“Bằng mọi giá tôi phải lấp kín phòng bởi đầu tư cả chục tỷ đồng vào đây. Năm ngoái thì thiếu, nay lại thừa. Giờ mỗi ngày, hai vợ chồng phải dọn dẹp căn nhà 40 phòng, lo tìm người thuê cũng phát ốm”, bà nói.

Gia đình bà Thanh, bà Tươi nằm trong số hàng trăm hộ gia đình đang kinh doanh nhà trọ trên địa bàn huyện Thạch Thất rơi vào tình cảnh ế khách. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm giá phòng trọ, nhiều chủ trọ còn phát tờ rơi, làm biển quảng cáo cỡ lớn tại các cổng trường đại học, mở dịch vụ đưa đón khách bằng ôtô 4-16 chỗ đi xem phòng miễn phí để kích cầu.

Bà Vũ Thanh đang đi kiểm tra các phòng còn trống trong căn nhà 7 tầng mới xây dựng ở huyện Thạch Thất, hiện chưa có người thuê, sáng 12/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bà Vũ Thanh đi kiểm tra các phòng còn trống trong căn nhà 7 tầng mới xây dựng ở huyện Thạch Thất, hiện chưa có người thuê, sáng 12/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Thanh Tùng (40 tuổi), lái taxi tại cổng trường Đại học FPT, cho biết từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 khi sinh viên bắt đầu nhập học, hai bên vỉa hè quanh cổng trường, tập trung rất đông các chủ trọ đến đặt bàn, ghế, cử người ra mời chào, tư vấn khách thuê phòng. Một số hộ sẵn sàng trả một triệu đồng mỗi ngày để thuê taxi đưa đón khách đến địa điểm xem miễn phí, dán biển quảng cáo lên thân xe.

“Lần đầu tiên tôi thấy chủ trọ đi tìm người. Khung cảnh chèo kéo khách để tư vấn phòng trọ hiện đại, giá rẻ nhộn nhịp vô cùng”, anh Tùng kể.

Cao Nguyên (22 tuổi) sinh viên năm cuối trường Đại học FPT cho biết, hồi năm 2022, cậu phải lên trước một tháng để tìm trọ bởi số lượng phòng rất ít. “Nhưng năm nay các hội nhóm ngập tràn quảng cáo cung cấp phòng cao cấp, giá rẻ”, Nguyên nói.

Trong một nhóm kín tìm phòng trọ trên Hòa Lạc lập năm 2022 có gần 6.000 thành viên tham gia, trung bình mỗi ngày có gần 70 bài viết quảng cáo cho thuê phòng khép kín, chung cư mini rộng 15-40 m2. Khách thuê trọ được giảm một tháng tiền nhà, miễn phí dịch vụ trong nửa năm cùng nhiều ưu đãi khác, nhưng phần bình luận không có người quan tâm.

Chia sẻ về lý do không chọn thuê phòng trọ đầy đủ tiện nghi, Trúc Mai (20 tuổi), sinh viên trường ĐH FPT cho biết vừa gia hạn hợp đồng ở nhà cũ nên chưa thể chuyển. Bên cạnh đó, mức giá từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng mỗi tháng cũng quá cao so với khả năng tài chính của gia đình.

“Sống trong các phòng đủ tiện nghi ai cũng muốn, nhưng ở một mình thì giá quá cao, ở đây khó tìm được bạn ở ghép. Tôi vẫn muốn ở chỗ trọ cũ, giá 1,3-1,5 triệu đồng mỗi tháng”, Mai giải thích. Nhiều bạn bè của cô có nhà ở nội đô cũng chấp nhận đi về 40-60 km mỗi ngày để tiết kiệm chi phí.

Không muốn chi hơn hai triệu đồng mỗi tháng cho tiền ở trọ, chưa kể ăn uống, sinh hoạt, mỗi ngày, Minh Đức (21 tuổi) ở quận Đống Đa đều gửi xe máy ở bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), sau bắt xe buýt số 74 đến trường Đại học FPT, trưa quay về nhà. “Dù phải dậy sớm để di chuyển nhưng tôi thấy phù hợp bởi giao thông thuận tiện và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình”, nam sinh nói.

Khảo sát của VnExpress tại ba xã Tân Xã, Bình Yên và Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), nơi gần các trường đại học, số tòa nhà xây mới có vài chục đến cả trăm phòng, tăng gấp 5-6 lần so với các năm trước. Tuy nhiên đa số đều trong tình trạng khoảng 20% có khách thuê. Trong khi đó, nhiều công trình xây dựng cao tầng khác đang trong quá trình hoàn thiện.

Một lãnh đạo xã Tân Xá cho biết những năm trước đây số lượng phòng trọ không đáp ứng đủ cho sinh viên. Nhận thấy nhu cầu lớn, các hộ dân trên địa bàn cùng nhiều chủ đầu tư ở các nơi đổ về Hòa Lạc xây dựng, khiến phòng xây mới tăng đột biến, dẫn đến tình trạng dư thừa.

Lý giải thêm, một lãnh đạo UBND xã Thạch Hòa chỉ ra ba điểm: Một là, các địa phương lân cận xây dựng thêm rất nhiều phòng trọ trong khi nhu cầu thực tế không thay đổi nhiều; hai là sự cạnh tranh về giá thuê phòng trọ; và cuối cùng là nhiều người đi học, đi làm ở Hòa Lạc có xu hướng đi về trong ngày thay vì ở trọ do giao thông đã thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc ồ ạt xây dựng phòng trọ nhưng không có khách phản ánh thực tế nhiều người đang kinh doanh theo trào lưu, không có kiến thức dự đoán nhu cầu thực tế của thị trường dẫn đến việc thừa phòng thiếu khách trọ, gây lãng phí tiền của.

“Ngoài việc kiểm tra chặt chẽ các công trình, tránh xây dựng tự phát, cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống các dữ liệu thông tin để người dân tham khảo, nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra các quyết định đầu tư sát nhu cầu của thị trường, thay vì kiểu ‘dò mìn'” như hiện nay”, ông Đính nói.

Mong có khách thuê, các chủ trọ dùng mọi biện pháp quảng cáo, từ phát tờ rơi, dán cột điện cho đến pano tấm lớn dựng gần cổng trường Đại học FPT. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Mong có khách thuê, các chủ trọ dùng mọi biện pháp quảng cáo, từ phát tờ rơi, dán cột điện cho đến pano tấm lớn dựng gần cổng trường Đại học FPT. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thấy có người đến xem phòng giữa trưa 18/9, chị Thanh Loan (50 tuổi) vội mở cửa, không quên cầm theo một chùm vài chục chiếc chìa khóa để khách thích phòng nào sẽ mở cho tham quan.

Ngoài giới thiệu phòng trọ có vị trí thuận lợi như gần chợ, siêu thị và điểm bắt xe buýt, người chủ trọ cũng hứa giảm giá phòng xuống còn 1,8 triệu đồng mỗi tháng, thu phí dịch vụ thấp. Đến nay, căn nhà bốn tầng với 12 phòng vừa hoàn thiện đầu tháng 9 của gia đình mới cho thuê được hai phòng.

“Giờ đi đường cách vài trăm mét lại thấy một biển quảng cáo ‘còn phòng trọ cho thuê’, nên các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như gia đình tôi phải làm mọi cách để có khách”, chị Loan nói.

Quỳnh Nguyễn