Hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã giúp thị trường bất động sản (BĐS) tích cực hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục “phá băng” thị trường.
Hàng trăm dự án đã được gỡ vướng
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp (DN).
Tổ công tác đã trực tiếp làm việc với 6 địa phương (TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai) và nhiều DN BĐS để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.
Đến nay, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đã bắt đầu có những kết quả khả quan. TP Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Còn tại TP HCM, địa phương đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại tỉnh Đồng Nai, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn đối với 7 dự án lớn, trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh…, xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Mới đây nhất, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản xác nhận 752 căn nhà ở thấp tầng tại Aqua City của Tập đoàn Novaland đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép chủ đầu tư được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện đầy đủ cam kết với khách hàng.
Tỉnh Bình Thuận, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án Novaworld Phan Thiết cũng của Tập đoàn Novaland, Tổ công tác đã tổ chức cuộc làm việc tại Bộ Xây dựng với UBND tỉnh Bình Thuận và chủ đầu tư dự án để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và trao đổi, giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, Novaworld Phan Thiết đã hoàn tất điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ các hạng mục cho cả dự án.
Một dự án bất động sản đang vướng pháp lý trên địa bàn phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giải pháp mạnh hơn nữa
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận xét những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, DN BĐS, môi giới BĐS…) đã góp phần tích cực nhằm “giữ” được thị trường. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.
Các địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng DN BĐS và cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc cho hầu hết dự án còn khả năng tái khởi động. Tuy vậy, trong khoảng 1.200 dự án đang vướng mắc pháp lý, giá trị khoảng 30 tỉ USD còn tới gần 800 dự án đang “xếp hàng chờ đến lượt”, ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến sự hồi phục của thị trường.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định BĐS là một trong những lĩnh vực cần tập trung tháo gỡ vướng mắc để sớm phục hồi, vì đây là lĩnh vực có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Thị trường BĐS đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP và đóng góp gián tiếp thêm khoảng 2%-3% vào tăng trưởng kinh tế.
Do đó, cần sớm có giải pháp mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn và cần tập trung ở cả cung và cầu làm sao để thị trường BĐS phục hồi mạnh trong năm 2024, cùng với việc củng cố thị trường tài chính sẽ tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tới.
Dẫn câu chuyện “vạ lây” từ khó khăn của thị trường BĐS, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho hay ngành đồ gỗ, nội thất của nhiều DN bị giảm doanh thu từ 40%-50% do chịu tác động rất lớn từ khó khăn của ngành BĐS.
TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, cũng phân tích những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS đang chủ yếu tập trung ở phía cung như các gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay các dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Trong khi đó, nhu cầu đối với BĐS của cá nhân hiện tại vẫn còn thấp do thu nhập sụt giảm. Thực tế là thị trường BĐS đang dư thừa dự án căn hộ ở phân khúc cao cấp, trong khi thiếu vắng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội giá phù hợp nhu cầu và thu nhập của người dân.
Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận pháp lý BĐS của Việt Nam đang có nhiều vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề nếu những vướng mắc được khơi thông, thị trường BĐS có vực dậy được hay không? Đó là câu trả lời lớn.
“Tôi cho rằng vấn đề không chỉ ở pháp lý như chúng ta kỳ vọng là nếu tháo gỡ thì thị trường sẽ vực dậy mạnh mẽ, mà điều quan trọng nằm ở cung – cầu. Pháp lý chỉ là cái khung pháp luật để thị trường vận hành đáp ứng yêu cầu của cung – cầu.
Hai năm qua, thị trường BĐS Việt Nam bị lệch pha cung – cầu, bị ảnh hưởng lớn từ kinh tế vĩ mô khó khăn. Đến nay, cung – cầu của thị trường vẫn chưa được cân bằng. Nguồn cung BĐS cao cấp còn nhiều trong khi đa số người dân chỉ có thể mua BĐS giá rẻ, nhà ở xã hội” – chuyên gia này phân tích.
Tháo nút thắt giấy phép xây dựng
Đánh giá cao những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc của các sở, ngành thành phố thời gian qua nhưng ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS TP HCM, mong thành phố cần tháo gỡ thêm nhiều nút thắt, vấn đề liên quan đến các giấy phép, những quy định thực tế đôi khi không cần thiết.
Đặc biệt, một số quy định liên quan đến giấy phép xây dựng. Ví dụ, chủ đầu tư xin dự án nhà 7 tầng, nếu họ không đủ tài chính chỉ xây 5 tầng thì cũng không nên phạt. Hoặc giấy phép thì chỉ hết giá trị khi quy hoạch 1/2.000 của TP HCM thay đổi, mà thường phải 5 năm/lần nhưng thực tế lại bắt chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng phải gia hạn hằng năm và chỉ được tối đa 3 lần gia hạn.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác làm cho chủ đầu tư cảm thấy “khó tứ bề” nên câu chuyện cần tinh giản thủ tục, quy định không cần thiết, chứ chưa hẳn là sai quy định pháp luật đã là góp phần gỡ khó cho các chủ đầu tư dự án.
(Còn tiếp)