Nhà sáng lập Binance, ông Changpeng Zhao, vừa nhận tội tại tòa án Seattle (Mỹ) vì “không tuân thủ quy định chống rửa tiền”, chấp nhận đóng phạt 4,3 tỉ USD và rời vị trí CEO. Ngay sau đó, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới chứng kiến làn sóng nhà đầu tư rút ra hơn 1 tỉ USD.
Tăng giá trở lại sau biến động
Dữ liệu từ Coin Marketcap cho thấy ngay sau khi thông tin liên quan tỉ phú Changpeng Zhao và sàn Binance lan rộng, lập tức thị trường tiền mã hóa liên tục biến động. Giá Bitcoin rơi từ 37.600 USD/đồng còn 35.700 USD/đồng, nhưng không lâu sau đã quay về mức 37.700 USD/đồng vào sáng 25-11 (giờ Việt Nam).
Giá của đồng tiền số lớn thứ 2 thế giới Ethereum cũng liên tục “nhảy múa” từ 1.900 USD/đồng lên 2.000 USD/đồng rồi lại rơi xuống vùng giá 1.900 USD/đồng và tăng về 2.000 USD/đồng vào sáng 25-11. Còn đồng BNB của Binance thì giảm từ 269 USD/đồng còn 238 USD/đồng, sau đó chốt tuần ở mức giá 234,45 USD/đồng. Giá BNB hiện cách rất xa so với mức “đỉnh mọi thời đại” là 690 USD/đồng.
Tỉ phú Changpeng Zhao đã từ chức CEO sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance Ảnh: REUTERS
Theo công ty phân tích blockchain Nansen, động thái dòng tiền chảy ra từ sàn Binance lên tới hơn 1 tỉ USD chỉ 24 giờ sau khi “ông trùm” tiền số từ chức giống những gì xảy ra với Binance khi bị Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) liệt kê 13 cáo buộc vào tháng 6-2023. Dẫu vậy, theo đánh giá của Nansen, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới này vẫn còn 65 tỉ USD, đủ để chống lại làn sóng nhà đầu tư đột ngột rời bỏ.
“Cú sốc nhất thời về thỏa thuận nhận tội của tỉ phú Changpeng Zhao sẽ không tác động đáng kể đến hầu hết tài sản trên sàn. Đồng tiền số bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Bernabeu. Trong số 100 loại tiền điện tử hàng đầu, có 98 loại đã chứng kiến sự phục hồi đáng chú ý trong 36 giờ qua” – kênh CNBC dẫn dự đoán của nhà phân tích thị trường Grzegorz Drozdz thuộc Công ty Conotoxia.
Chuyên gia Drozdz cũng nhận định vụ việc liên quan sàn Binance lần này có thể là điều tích cực cho thị trường tiền số khi vấn đề với cơ quan quản lý luật pháp đã có hướng xử lý và Binance cũng cam kết tăng cường biện pháp bảo mật. Riêng bản thỏa thuận nhận tội của tỉ phú Changpeng Zhao được cho là sẽ giúp chấm dứt các cuộc điều tra kéo dài đối với sàn giao dịch Binance. Hơn nữa, một thông tin cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến thị trường là cơ quan quản lý Mỹ sẽ không cáo buộc Binance chiếm dụng bất kỳ khoản tiền nào của nhà đầu tư hay tham gia bất cứ hành vi thao túng thị trường nào.
Người chơi Việt Nam tự tin
Trên mạng xã hội X, tài khoản Kutin viết: “… Sau cơn mưa trời lại sáng, chúc mừng Binance trở lại bình thường và giá Bitcoin tăng lên 38.000 USD”. Người dùng khác có tên Ha Nguyen nói rằng khả năng phục hồi thị trường tiền điện tử là rất lớn, nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư không suy giảm trước vụ lùm xùm liên quan nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao.
Ghi nhận trên mạng xã hội Facebook, cộng đồng chơi tiền điện tử cũng hoạt động khá sôi động. Chỉ cần gõ từ khóa Binance, Crypto… sẽ hiện ra hàng trăm hội nhóm, trong đó có nhóm lên tới 200.000 thành viên. Tài khoản Facebook Đinh Thế Anh cho rằng việc Changpeng Zhao nhận tội và từ chức là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và trấn an những người chơi khác yên tâm về khả năng hồi phục của thị trường.
Sau cú “ngã ngựa” chấn động của nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao, nhiều người chơi tiền điện tử vẫn kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường Ảnh: LÊ TỈNH
Từng đầu tư vào tiền điện tử, ông Nguyễn Văn Nhất (ngụ quận 4, TP HCM) cho rằng điều nguy hiểm nhất là người chơi “đu” theo thông tin đám đông để quyết định đặt lệnh mà không hiểu biết thật sự. Ngoài ra, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tiền tệ hay phương thức thanh toán nên khi người chơi gặp rủi ro, bị mất tiền thì không được bảo vệ và gần như không có cách nào lấy lại tiền.
“Tôi đã mất gần 180 triệu đồng trong 3 tháng vì chơi tiền ảo. Khi đó, do không có hiểu biết và không thẩm định được các dự báo giá nên tôi phải đi theo hội nhóm “lùa gà” và đã mắc bẫy của họ” – ông Nhất kể.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lưu ý chơi tiền điện tử ở Việt Nam hiện nay là vi phạm quy định và không được khuyến khích vì loại tiền này chưa được pháp luật công nhận. “Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử đồng nghĩa loại tiền này không hợp pháp. Vì vậy, mọi giao dịch đều gây rủi ro, người chơi cần phải tỉnh táo” – ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phan Hồng Quân, Trưởng Ban Hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng tiền số/tiền điện tử (cryptocurrency) được nhiều người gọi nhầm là “tiền ảo” khiến việc hiểu bản chất tài sản số này bị sai lệch. Việt Nam hiện chưa có quy định về tiền số, tài sản số do lĩnh vực này còn quá mới, dẫn đến khoảng trống pháp lý cho nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố…
“Sự kiện liên quan sàn giao dịch lớn nhất thế giới Binance vừa qua là lời cảnh báo về việc các sàn giao dịch tiền số vi phạm luật về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Về phía người chơi, cần bổ sung, nâng cao nhận thức, hiểu biết và đây chính là vũ khí, áo giáp cho họ khi tham gia thị trường” – ông Quân khuyến cáo.
Cần sớm có khung pháp lý
Theo ông Phan Hồng Quân, báo cáo của Chainalysis cho thấy Việt Nam là quốc gia có giá trị giao dịch tiền số đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Nigeria. Ông kiến nghị Việt Nam sớm quy định tiền số như một loại tài sản số, từ đó có chính sách quản lý rõ ràng, minh bạch trong bối cảnh hòa nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, cần sớm tạo lập kênh giao dịch chính thống, có sự quản lý – bao gồm cả thu thuế – để người chơi tiền số tránh được rủi ro.