Vì sao doanh nghiệp nhựa luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của đại gia Thái Lan?

vi sao doanh nghiep nhua luon nam trong tam ngam thau tom cua dai gia thai lan 65425b48cbd10

Ngành nhựa với 4 mảng chính là nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng.

Các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam, hoặc chọn đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư thông qua mua bán sáp nhập (M&A), trong đó, M&A là cách nhanh và hiệu quả nhất để bước chân vào thị trường vô cùng rộng lớn và đầy tiềm năng như Việt Nam.

Đơn cử, thông qua M&A, nhà đầu tư nước ngoài là Nawaplastic Industries (công ty con của SCG, Thái Lan) đã nắm trong tay thị phần lớn của 2 doanh nghiệp có thị phần áp đảo trong lĩnh vực ống nhựa là Tiền Phong (chiếm 60% thị phần miền Bắc) và Bình Minh (chiếm 50% thị phần miền Nam).

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, người vừa tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) nhiệm kỳ 2023-2028, cho biết tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỉ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa hiện có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung: từ 3 tỉ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỉ USD trong năm 2022, mức tăng từ 12% – 20% qua mỗi năm.

Vì sao doanh nghiệp nhựa luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của đại gia Thái Lan? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp nhựa đang đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh

Hiện có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất nhựa trên cả nước, trong đó khoảng 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia và lãnh thổ và đang có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Úc…

Theo ông Lam, tiềm năng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn, nhất là từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. 

Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực giúp thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường các nước thuộc khu vực EU được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế lớn để gia tăng sản lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với thị trường quan trọng này.

“Liên tiếp trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa luôn đạt mức 2 con số, từ 12 – 15%/năm. Năm 2023, dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, ngành nhựa vẫn ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong 9 tháng đầu năm với múc tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Với khả năng cạnh tranh cao, tiềm năng lớn, ngành nhựa Việt Nam luôn trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại” – ông Lam nói.

Theo ông Lam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại các thương hiệu nhựa trong nước. Bên cạnh sự hiện diện của các nhà đầu tư Thái Lan, các tổ chức từ châu Âu và Nhật Bản cũng quan tâm đến việc đầu tư và mua lại doanh nghiệp nhựa Việt Nam.

“Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa đã “bán mình”, xu hướng này đang tiếp diễn, thậm chí có thể gia tăng trong thời gian tới” – ông Lam cho hay.