Chuyển đổi số và AI – Động lực phát triển mới của doanh nghiệp Việt Nam

chuyen doi so va ai dong luc phat trien moi cua doanh nghiep viet nam 6709d05247297

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt nam Nguyễn Trung Chính.

Tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt nam Nguyễn Trung Chính đã có bài phát biểu về vai trò của doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Hiệp hội doanh nghiệp Tư nhân nhận thấy rằng chuyển đổi số và chuyển đổi AI đóng vai trò trọng yếu trong công cuộc cách mạng xây dựng lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới phục vụ phát triển KTXH của đất nước.

Trong vài năm qua, AI đã chứng minh tiềm năng to lớn khi đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Theo các chuyên gia, AI được dự báo sẽ đóng góp tới 15.700 tỷ USD, chiếm gần 14% GDP toàn cầu vào năm 2030. Đây là con số vô cùng ấn tượng, cho thấy AI không chỉ xu hướng nhất thời, mà là động lực phát triển dài hạn và bền vững cho nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch CMC cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng lực lượng sản xuất mới, đặc biệt là việc sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình, tăng năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. AI được dự báo sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này.

Chủ tịch CMC đã đưa ra 5 kiến nghị: Hỗ trợ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số: Cần có các chính sách hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ nắm bắt cơ hội từ công nghệ mới.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Để đáp ứng yêu cầu của lực lượng sản xuất số, cần tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và trí tuệ nhân tạo.

Đổi mới thể chế để phù hợp với nền kinh tế số: Các cải cách thể chế và pháp luật cần được đẩy mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ.

Hỗ trợ tài chính và hợp tác công nghệ: Tăng cường tiếp cận vốn và hỗ trợ tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

Tin tưởng và giao trọng trách cho doanh nghiệp Tư nhân: Doanh nghiệp Tư nhân cần được tin tưởng và trao nhiều trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.