Sự kiện cơ các phiên thảo luận xoay quanh chủ đề Thành phố Thông minh, Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Tài nguyên Nước.
Giáo sư Long Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ về tài nguyên Nước và Xử lý Nước thải tại UTS chia sẻ: “Chuỗi hoạt động tập trung vào những vấn đề cấp thiết của Việt Nam, bao gồm các giải pháp cho phát triển bền vững, thách thức và cơ hội của mô hình thành phố thông minh, tiềm năng của kinh tế tuần hoàn và công nghệ xanh, cũng như vai trò của hợp tác quốc tế trong việc quản lý tài nguyên nước”.
Phiên thảo luận đầu tiên về Thành phố Thông minh sẽ mở ra góc nhìn đa chiều về chuyển đổi cơ sở hạ tầng từ truyền thống sang phương pháp tích hợp “vật lý – kỹ thuật số”. Phó Giáo sư Dena Fam, Giám đốc Quan hệ Quốc tế Khoa Thiết kế, Kiến trúc và Xây dựng tại UTS cho biết: Phiên thảo luận đề cập đến ba trụ cột chính của một thành phố thông minh: Tính bền vững, sự tích hợp công nghệ và tối ưu hóa nguồn lực.
Phiên chuyên đề về Kinh tế Tuần hoàn và Công nghệ Xanh, lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Giáo sư Damien Giurco, thuộc Viện Tương lai Bền vững của UTS, nhấn mạnh: “Năm năm tới sẽ là thời điểm then chốt cho sự chuyển đổi của xã hội, trong đó, việc đầu tư vào các kỹ năng và công nghệ xanh sẽ đóng vai trò quan trọng. Phiên thảo luận này sẽ phân tích toàn diện chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, tìm hiểu các sản phẩm và dịch vụ mới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Trong chương trình, Quản lý Tài nguyên Nước và Hợp tác Quốc tế cũng được xem là một vấn đề cấp bách và sẽ là nội dung chính của phiên thảo luận cuối cùng. Tiến sĩ Nicola Nelson, Trưởng Ban Dự án và Đối tác Quốc tế của Hiệp hội Tài nguyên nước Úc, nhấn mạnh: “Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức về an ninh nguồn nước. Sự hợp tác quốc tế sẽ là chìa khóa trong việc tìm ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và gia tăng nhu cầu nước ngọt. Khung hợp tác này không chỉ giúp trao đổi kinh nghiệm mà còn mở ra các dự án nghiên cứu thiết thực cho Việt Nam”.
Chuỗi hội thảo này còn là dịp để UTS và các đối tác giới thiệu các dự án hợp tác hiện có, bao gồm những sáng kiến với Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (SATI) và Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST). Những dự án này không chỉ đóng góp vào việc chuyển giao kiến thức, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua công nghệ và hợp tác quốc tế; đồng thời, khơi gợi các ý tưởng mới, đặt nền tảng cho một Việt Nam bền vững và phát triển dài hạn trong tương lai.